Mới đây mình có đọc một số bài viết liên quan đến việc lừa đảo của các công ty tư vấn học bổng. Bạn có thể đọc những lời cảnh báo của các nạn nhân tại đây. Trong bài viết này, Wind giúp bạn tìm hiểu một số kiểu lừa đảo của các công ty môi giới học bổng, bạn có thể tham khảo để đề phòng được chút ít cho mình.
Các công ty tư vấn du học có nhiều mưu mẹo lừa đảo, chẳng hạn như Họ nói bán một suất học bổng mấy ngàn đô, nhưng thật ra là tiền trọn gói của suất đi tự túc mà họ liên kết với trường bên kia gọi như vậy để lừa đảo thôi. Có nhiều trường ở châu Âu, như ở Đức chẳng hạn, miễn phí toàn bộ học phí, nhưng mấy công ty du học cứ nói đó là học bổng thì người mua cũng chịu vì biết gì đâu mà nói lại. Khi qua đến nơi, việc đâu đã vào đấy rồi, ai dám làm gì họ nữa!
Họ đánh vô tâm lý thích đi du học bằng học bổng cho sang trọng của nhiều người. Cũng bỏ ra 20 ngàn đô, nhưng nếu tôi nói bạn đi tự túc thì bạn thấy nó bình thường quá, đúng không? Nhưng nếu tôi kêu giá 30 ngàn đô, rồi bảo đã kiếm được cho bạn một học bổng 10 ngàn đô, bạn chỉ phải đóng 20 ngàn đô thôi thì bạn thích quá chứ gì nữa.
Nên nhớ, những dòng quảng cáo về tương lai sáng chói của các học bổng chỉ là sự thực 1% thôi. Bạn hoàn toàn có thể xin được học bổng phù hợp với khả năng mình, nhưng vì không biết cách liên hệ trực tiếp nên nhờ công ty môi giới xin giùm, bán lại.
Tốt nhất bạn nên hỏi rõ tên tổ chức hoặc cá nhân cấp học bổng. Yêu cầu bên bán cho xem công văn hoặc thư chính thức của trường cấp học bổng. Khi làm thủ tục du học phải đòi cho được bản gốc hợp đồng của nhà trường nơi người mua sẽ học. Nếu họ không xuất trình được những giấy tờ này, tốt nhất bạn nên rút lui ngay.
Tìm được một suất học bổng thật toàn phần của một tổ chức quốc tế uy tín nhưng ngã ngửa người khi được yêu cầu đóng thuế.
Khi bạn nhận được một suất học bổng du học nước ngoài, rất có thể học bổng của bạn bị đánh thuế như một khoản thu nhập.
Tất nhiên là cũng có những học bổng được miễn thuế như: học bổng cho học sinh trung học, học bổng chỉ bao gồm học phí, tài liệu, sách vở, và những phương tiện cho khoá học.
Còn nếu học bổng của bạn bao gồm cả tiền ăn ở, trợ giúp văn phòng, các dụng cụ hỗ trợ khác, thì không nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ phải nộp thuế cho suất học bổng “béo bở” này.
Trong trường hợp đó, số tiền học bổng dành cho học phí sẽ được miễn thuế, phần còn lại xin mời bạn tham gia vào quá trình phân phối lại của nhà nước (tức là nộp thuế).
Khi các trường trao học bổng, các trường sẽ nói rõ phần học bổng nào được miễn thuế, phần học bổng nào sẽ bị đánh thuế và thuế là bao nhiêu %. Sau khi giành được học bổng, bạn phải làm một bản tường trình, và chờ đến ngày... đóng thuế.
Tất nhiên là bạn sẽ thấy... tiếc tiền. Trường trao học bổng hiểu điều đó và họ có một cách khá tâm lý để giải quyết vụ này. Nhiều trường đã tự động trừ thuế trước khi trao đến tay bạn, và thế là bạn không phải làm tường trình, cũng không phải đi nộp thuế, và bạn tưởng lầm là học bổng không hề liên quan gì đến thuế cả.
Những người đang săn học bổng nên chú ý một số cách nhận biết học bổng thật sau:
- Thông tin về học bổng chỉ được gửi từ các tổ chức sau khi bạn yêu cầu.
- Các tổ chức hợp pháp không bao giờ đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ là người nhận được học bổng.
- Các tổ chức luôn thông báo rằng thông tin của suất học bổng được cung cấp miễn phí trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, thư viện, văn phòng…
- Phí dịch vụ sẽ được khấu trừ sau khi bạn giành được suất học bổng.
Nói chung, bạn nên tìm hiểu kĩ càng về các quy trình, thủ tục học bổng. Càng hiểu biết bao nhiêu. bạn càng tránh được những cú lừa chết người, đưa bạn vào hoàn cảnh không biết nên khóc hay cười.
Đây là các bước xin học bổng thông thường:
1. Nhận đơn đăng ký, điền đầy đủ thông tin nộp cho đơn vị thông báo cấp học bổng.
2. Vượt qua vòng xét hồ sơ, người nộp đơn sẽ nhận được thông báo hẹn phỏng vấn trực tiếp có đại điện của trường cấp học bổng, công ty tư vấn du học.
3. Thành công ở vòng phỏng vấn, hồ sơ của người đăng ký sẽ được chuyển sang trường cấp học bổng để thẩm định lại năng lực học tập, trình độ tiếng Anh, hoạt động cộng đồng, năng khiếu...
4. Đại diện của trường cấp học bổng sẽ gặp trực tiếp ứng viên hoặc thông qua các công ty tư vấn du học trao quyết định cấp học bổng cho các ứng viên.
Mình chỉ tổng hợp một vài thông tin chính từ các website, còn chiêu lừa đảo thì vô số. Bạn có thể tham khảo thêm 5 kiểu lừa đảo khác. Nên nhớ, càng tỉnh táo, hiểu biết thì càng tránh khỏi. Chúc bạn nhận được học bổng mình mơ ước.
WIND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét