Đây là bài viết mình thấy khá hữu ích. Mình lấy Trên Yahoo. Bạn sẽ biết làm gì khi bị một chú "Tỵ" đớp! Sao không nhanh tay ghi chú kỹ năng sống này vào sổ tay
Nói đến lợi ích của cây xanh, nhiều người lại nhắc về khả năng dụ hoặc xua đuổi rắn. Hầu như, vùng miền nào cũng có “lời đồn” về các thực vật có khả năng trên. Dù vậy, theo lương y Công Đức, chỉ một số loại cây mới có thể dụ hoặc xua đuổi rắn. Cây xua rắn đương nhiên sẽ rất có lợi, thế nhưng, nếu thiếu hiểu biết, trồng phải những cây có khả năng dụ rắn vào nhà thì rất nguy hiểm.
“Khắc tinh” của rắn
1. Cây nén
Thuộc họ hành, thường được gọi là hành tăm, hành trắng. Đây là một loại gia vị đặc biệt vì tinh dầu trong củ, lá của cây có mùi thanh và cay hơn so với hành hoặc tỏi nên khi ngửi được mùi từ xa là các loài rắn đã tìm cách lẩn tránh và không dám đến gần. Vì vậy, người dân miền Trung thường trồng cây nén xung quanh nhà để “trừ” rắn, ngăn chúng bò vào nhà. Theo lương y Nguyễn Công Đức, nếu muốn dùng nén “đuổi” rắn thì nên trồng thành hàng liên tục bao quanh nhà, hàng rào hay trồng trong các chậu cây đặt trước nhà. Khi ngửi được mùi của cây nén, rắn sẽ chuyển hướng bò sang nơi khác.
2. Hoa lan tỏi
Hoa lan tỏi còn được gọi với những cái tên quen thuộc là hoa thiên lý tỏi, hoa ánh hồng, hoa bâng khuâng… Đây là một loại cây có thân leo, hoa màu tím, thường được trồng trên cổng nhà. Chúng có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, chống rôm sảy... nên là một vị thuốc an thần tốt, giúp bổ thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng... Vì lá cây này có mùi tỏi rất nồng, thậm chí nồng hơn cả tỏi nên mới được đặt tên là lan tỏi. Và cũng nhờ có mùi cay nồng khó chịu đó mà lũ rắn mới tránh xa những khu vực có trồng cây này.
3. Sắn dây
Sắn dây cũng là một trong số những loại thực vật có tác dụng xua đuổi rắn. Nó còn gọi là cát căn, cam cát căn, phấn cát căn, củ sắn dây, bạch cát… Nhựa tiết ra từ cây sắn dây có thể khiến rắn sợ và tránh xa.
“Bạn” của rắn
1. Bạch hoa xà thiệt thảo
Còn được gọi là cỏ lưỡi rắn trắng, bồi ngòi bò, xà thiệt thảo, xà châm thảo... Đây là loại cỏ mọc bò ở những nơi ẩm, ưa mát, sống quanh năm. Chúng có mặt ở ba miền, thường thấy ở bên vệ đường, mọc hoang nơi đất ẩm ướt. Lá cây có hình mác thuôn, dài khoảng 1,5 - 3,5cm, rộng 1 - 2mm, nhọn ở đầu, dai, gần như không có cuống, lá có khía răng cưa ở đỉnh. Đến mùa, hoa nở trắng xóa. Hoa nhỏ có đài hình giáo nhọn, ống đài hình cầu. Người dân thường gọi loài cây này là cỏ lưỡi rắn trắng vì rắn rất thích ở gần loài cây này, ở đâu có chúng là ở đó có rắn.
2. Bạch hoa xà
Cây này còn có tên gọi khác là đuôi công hoa trắng, cây lá đinh, bạch tuyết hoa. Bạch hoa xà thuộc họ đuôi công, sống ở nơi ẩm mát. Cây cao khoảng 0,3 - 0,6m, thân xù xì. Lá mọc so le, hình trái xoan. Hoa có màu trắng, mọc ở ngọn và nách lá. Cây ra hoa quanh năm, nhiều nhất vào tháng 5, 6. Cây này có thể trồng bằng một đoạn cành hoặc phần thân ở gần gốc. Nó phát triển tốt ở nơi ẩm mát, đất tơi xốp, có nhiều mùn. Tuy là cây có mùi hương thu hút rắn nhưng theo lương y Công Đức, trong Đông y, loài cây này là dược liệu quý được dùng để chữa viêm da, sỏi mật, viêm gan, ung thư hay làm sáng mắt...
3. Sa nhân tím
Sa nhân cao 1,5 - 2,5m, quả hình cầu, mặt ngoài có gai ngắn, mềm, màu tím, có vị ngọt nên thường là thức ăn của loài chuột, sóc, nhím… Trong khi đó, rắn lại rất thích ăn chuột. Vì vậy, mùa sa nhân tím kết trái cũng là lúc rắn tìm về những nơi có cây sa nhân tím để săn mồi. Do đó, nó được xem là một loài thực vật “dụ” rắn. Sa nhân tím ưa ẩm, chịu bóng mát, thường mọc thành đám ở ven rừng, nhiều nhất là theo hành lang các khe suối. Vì vậy, khi đi rừng, người dân nên cẩn trọng, chớ đi gần khu vực có nhiều sa nhân vào mùa cây này kết trái.
Trị rắn cắn bằng trái đu đủ non
Rắn là loài động vật săn mồi từ khi trời chập choạng tối đến sáng hôm sau. Vì vậy, hàm lượng và độ độc của nọc rắn lúc này sẽ nhiều hơn thông thường. Nếu bị rắn cắn vào thời điểm này, nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn. Theo kinh nghiệm Đông y, có thể dùng trái đu đủ non để sơ cứu tại chỗ vết rắn cắn nhằm giữ tính mạng cho nạn nhân. Cách thực hiện như sau:
- Thắt garo cách vết rắn cắn 5 - 10cm về tim, xiết vừa đủ chặt. Cứ 20 phút lại nới nhanh về phía tim khoảng 5cm.
- Nặn máu độc ra cho đến khi hết.
- Dùng dao đâm vào trái đu đủ non (cỡ bằng một nắm tay).
- Lấy bông gòn thấm mủ đu đủ rồi đắp lên vết thương do rắn cắn.
- Có thể dùng garo định vị miếng bông gòn trên vết cắn.
- Bổ nhỏ trái đu đủ (lấy cả vỏ lẫn hạt), giã nát.
- Thêm 1 chén nước vào, khuấy đều.
- Vắt lấy nước rồi cho người bị rắn cắn uống. Cứ 15 phút uống một lần. Mỗi lần 3 muỗng canh, cho đến khi muốn đi đại tiện.
- Sau đó, chuyển bệnh nhân đến các trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để tiếp tục chữa trị.
Thuốc đuổi rắn
Ngoài việc sử dụng cây xanh, nếu muốn xua đuổi rắn ra khỏi khu vực sinh sống, hoặc để rắn không lại gần mình, người dân có thể chế thuốc để đuổi rắn bằng cách lấy 10 củ nén giã nhỏ trộn với 5g hùng hoàng hoặc dùng 1 củ tỏi, 10 nhánh hành hương và một ít thuốc lá sợi, giã nhỏ, đựng vào một túi vải, đeo bên mình. Mùi dược liệu bốc ra sẽ làm rắn tránh xa.
(Theo dược sĩ Đỗ Huy Bích)
Thực hiện: HOÀI PHƯƠNG, Ảnh: Sưu tầm
WIND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét